Hành trình Trung Đông - Phần 2: Siêu đô thị và những cái nhất thế giới

Từ một đất nước nghèo khó chỉ có biển và sa mạc, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, mò ngọc trai, trồng chà là, bán gia vị..., UAE vươn lên trở thành một quốc gia phồn thịnh, được xếp hạng 7 toàn thế giới theo thống kê GDP năm 2016 của của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Không những thế, UAE còn nổi tiếng với những công trình được xếp hạng nhất thế giới: tòa nhà cao nhất, khách sạn sang nhất, tòa tháp nghiêng nhất, công viên trong nhà lớn nhất, vườn hoa lớn nhất...

Dĩ nhiên, không thể phủ nhận UAE giàu lên nhờ dầu mỏ, nhưng cái hay của họ là biết dùng đồng tiền thu về đem đi đầu tư bất động sản, thương mại, hàng không, du lịch... để bớt phụ thuộc vào dầu. Ở hai thành phố lớn nhất của UAE là Dubai (trung tâm kinh tế) và Abu Dhabi (thủ đô), các siêu công trình mọc lên như nấm, đặc biệt là Dubai - được mệnh danh là "giấc mơ Trung Đông" hay "viên ngọc của sa mạc Ả Rập").


Chúng tôi đến Abu Dhabi bằng chuyến bay của hãng hàng không Etihad. Thủ tục xuất nhập cảnh hết sức nhanh gọn. Khách nhìn lên màn hình điện tử để quét võng mạc trong chưa đầy 1 phút là được chứng nhận trên visa và hộ chiếu để đi qua. Abu Dhabi mang vẻ đẹp tráng lệ và thanh bình, trong khi Dubai rực rỡ, sang trọng, náo nhiệt, như muốn phô hết sự sang chảnh của thế giới. Ở hai thành phố này cũng tập trung những công trình được ghi nhận là "nhất thế giới".


1. Tháp nghiêng Capital Gate

Capital Gate là một trong những tòa tháp cao nhất ở thủ đô Abu Dhabi và được Guinness công nhận là tháp có độ nghiêng xa nhất thế giới. Capital Gate nghiêng tới 18 độ về phía tây, gấp 5 lần tháp nghiêng Pisa nổi tiếng ở Ý.


2. Hệ thống khách sạn sang nhất thế giới

Tuy chỉ là một thành phố nhỏ bé nhưng Dubai sở hữu hơn 50 khách sạn 5 sao với nhiều kiến trúc độc đáo và dự kiến còn tiếp tục mở rộng, đặc biệt có khách sạn nổi tiếng Buji Al Arab (ngọn lửa Ả Rập) là khách sạn bảy sao đầu tiên của thế giới với thiết kế hình cánh buồm nằm trên một hòn đảo nhân tạo nổi giữa biển.


Buji Al Arab không phải là khách sạn 7 sao duy nhất của UAE. Đất nước "sang chảnh" này có tới 3 khách sạn được xếp 7 sao (2 ở Dubai và 1 ở Abu Dhabi).

3. Vườn hoa lớn nhất thế giới

Không phải Hà Lan, Pháp... hay các nước ôn đới có điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho cỏ cây hoa lá, mà chính Dubai, một thành phố nằm trên sa mạc, mới sở hữu vườn hoa lớn nhất thế giới. Dubai Miracle Garden là một công trình kỳ diệu thể hiện sức mạnh của con người trước tự nhiên để biến cái không thể thành có thể - một khu vườn rộng hơn 72.000m2 nằm trên mảnh đất sa mạc khô cằn với lượng mưa rất thấp, luôn tưng bừng muôn sắc hoa được nhập từ nhiều vùng trên thế giới. Để tham quan tới nơi tới chốn vườn hoa này du khách phải dành một ngày mới có thể chiêm ngưỡng đầy đủ. Vườn hoa chỉ mở từ tháng 10 đến tháng 5 hàng năm - thời điểm phù hợp để chăm sóc hoa tại đất nước sa mạc này.






4. Công viên trong nhà lớn nhất thế giới

Ở đất nước sa mạc, ngoài những thảm xanh bên ngoài để không gian mát lành hơn thì mọi hoạt động mua bán, giải trí... đều được diễn ra trong nhà có gắn máy lạnh. Ferrari World nằm trên đảo Yas của thủ đô Abu Dhabi là công viên trong nhà lớn nhất thế giới, cũng là trường đua ô tô và là nơi diễn ra các trò chơi cảm giác mạnh, kết hợp khu mua sắm sầm uất, được thiết kế theo chủ đề xe Ferrari. Nơi đây cũng trưng bày các loại xe hơi và cả những chiếc xe ô tô thời kỳ đầu với bánh gỗ của hãng Ford (xe thật chứ không phải mô hình)







5. Tòa tháp cao nhất thế giới

Buji Khalifa là tòa tháp cao nhất thế giới hiện nay, nằm ở trung tâm tài chính của Dubai. Tòa tháp cao 828m với 164 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Trên thực tế, nó đã trở thành tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 2007 khi đang xây dựng đến tầng 141 với chiều cao 512,1m. Đỉnh tòa tháp được thiết kế từ cảm hứng bông hoa ba cánh của sa mạc Dubai. Tòa tháp này cũng đạt kỷ lục về hệ thống thang máy có tốc độ nhanh nhất thế giới. Đây cũng là nơi Tom Cruise đóng những cảnh quay mạo hiểm của Điệp vụ bất khả thi 4.


Bên cạnh đó, thành phố lớn Dubai còn gây ấn tượng về một siêu đô thị hiện đại và tiên tiến bậc nhất với những đặc điểm như:

  •  Lọc nước ngọt từ nước biển: Dubai là một thành phố nằm trên sa mạc và giáp vịnh Ba Tư, nước ngọt rất hiếm hoi. Hiện nay Dubai không còn dùng phương pháp nhiệt năng để nước biển bốc hơi thành nước ngọt mà dùng phương pháp lọc nước biển vừa tiết kiệm chi phí vừa tiết kiệm sức lao động. Jebel Ali là nhà máy khử nước muối từ vùng biển giữa vịnh Ba Tư và sa mạc Arập, có công suất xử lý tới 10,6 tỉ lít nước biển mỗi ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho toàn UAE. Nhà máy áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược, đưa nước biển qua các màng lọc để khử muối, trở thành nước sạch. Ngoài hệ thống đan lọc HPDE, nhà máy còn có hệ thống chưng cất nhanh với các turbine vận chuyển hơi nước trong ống dẫn tới một buồng hơi và ngưng tụ thành nước sạch. Sau khi xử lý xong, lượng nước biển có độ mặn cao hơn sẽ được bơm trở lại vào vịnh Ba Tư dưới sự giám sát môi trường chặt chẽ. Có nguồn nước ngọt dồi dào, Dubai quyết tâm chinh phục sự khắc nghiệt của tự nhiên bằng nỗ lực phủ xanh sa mạc khô cằn và nóng bức.


      • Hệ thống giao thông chuẩn mực: Dubai nổi tiếng là một siêu đô thị với hàng loạt nhà cao tầng kiến trúc độc đáo cùng những con đường 12-16 làn chạy dài tít tắp. Đường sá đẹp, xe chạy trật tự, tuyệt nhiên không thấy bóng cảnh sát giao thông đứng đường và cũng không hề có trạm thu phí như VN ta. Còn nữa, những con đường cao tốc 12 làn đẹp như mơ đó chỉ có giá 4 triệu USD/km cho tuổi thọ 50 năm, trong khi VN làm đường chi phí gấp 5 lần ($20tr/km) còn tuổi thọ thì... :)






        Dubai còn có niềm tự hào "Đảo Cọ" - một công trình được cả thế giới biết đến và được vinh danh là kỳ quan thứ tám. Tôi sẽ dành một bài riêng cho hòn đảo nhân tạo tuyệt đẹp này.

        Cả Abu Dhabi lẫn Dubai về đêm đều đẹp lộng lẫy. Các tòa nhà cao tầng rực sáng cùng nhạc nước huyền ảo, các trung tâm thương mại tấp nập người đi mua sắm và nhà hàng, cà phê rất là sôi động. Trước khi đến UAE, đọc các quy tắc về ăn mặc mình cũng có hơi ngại vì những điều lệ hạn chế mặc đồ ngắn, nhưng sang rồi mới thấy dân Dubai thoáng như Tây, trừ khi vào thánh đường còn lại bà con mặc short, váy ngắn, áo không tay... đi lại nườm nượp. Hiếm hoi lắm mình mới gặp một phụ nữ che mặt. Đa số các phụ nữ hồi giáo bên này chỉ mặc áo truyền thống và trùm đầu chứ không đeo mạng. Họ có đôi mắt khá đẹp. Thành phố an toàn, người dân thân thiện lịch sự và nói tiếng Anh rất giỏi. Từ chợ đến nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại..., từ tài xế đến người bán hàng hay bất cứ người nào tình cờ gặp đều nói tiếng Anh ro ro, nên đây là lợi thế rất lớn cho du khách.

        Kết thúc bài là hình ảnh các tòa nhà lộng lẫy của thủ đô Abu Dhabi về đêm, với tấm hình cuối là đường vào cung điện hoàng gia. Kỳ sau sẽ là một chuyến viếng thăm bảo tàng Dubai cùng khu phố cổ và những khu chợ truyền thống để tìm hiểu văn hóa và đời sống của người Ả Rập xưa cùng sáu thập kỷ vươn lên từ nghèo khó.



        Nhận xét

        Bài đăng phổ biến từ blog này

        Xứ sở bạch dương - Phần 17: Những loài cây biểu tượng

        Xứ sở bạch dương - Phần 16: "Thị trấn gỗ" Suzdal

        Hành trình Trung Đông - Phần 3: Một Ả Rập xưa cũ